Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Đám hiếu


Đám hiếu
Thế là chị tôi về cõi. 84 tuổi mụ, sau gần hai tháng ụ ỵ như cái xác biết thở. Lũ cháu hiếu đễ không để mẹ đi ngay, hết cho vào viện đến cúng bái. Không dám nói nhưng tôi chán ngán, thậm chí căm hờn việc bắt một con người tồn tại trong trạng thái sống thực vật, hay còn gọi là chết lâm sàng như thế. Mà tôi có trông nom gì!
Cái chết là thời điểm tất yếu, quan trọng trong đời. Nhiều người hô khẩu hiệu (xin trời) cho sống khỏe chết nhanh, nhưng vẫn sợ nó. Gia đình tôi, nhờ trời, ai cũng được chết tươi, kể khí đột ngột nhưng còn hơn chán cảnh nằm thối nằm tha, lở loét, Tây gọi le cadavre vivant. Những anh Hàn anh Nhật ưa thích tự tử đến lệch lạc, không chừng quan niệm “sống không có hi vọng, niềm tin, thì chết có ý nghĩa hơn”, lại là tích cực.


Hồi kháng chiến, nhà ở quê bị Tây đốt tam tứ phen, bà cụ dong đàn con lên Việt Bắc theo chồng, một công chức cao cấp của chính quyền kháng chiến. Chị tôi đã ngoài hai mươi, gánh đồ đạc, trong khi các em được mẹ cho ngồi quang gánh hoặc đi không. Bắt đầu một cuộc sống gian khó, lúc chạy lũ, lúc làm nhà, còn ruộng rẫy khoai sắn là chuyện thường ngày. Chị thương anh thanh niên hàng xóm, đòi lấy bằng được. Ông bố không muốn con làm bà nông dân nhưng không cản nổi. Sau hòa bình cả nhà về Thủ đô yên hưởng cuộc sống thành thị, chị ở lại, đẻ một đống con, yên phận, cam chịu. Nói thế vì sau này ông chồng đốc chứng, sang ở với em dâu góa. Tôi đã viết cái truyện kể chị làm cỏ chè trên đồi đến lúc nhà bên gọi nhau về ăn cơm. Đêm là lúc kinh khủng nhất. Nghĩ đến chồng đang ở bên kia đồi không thể ngủ, chỉ có cách sao chè, lúc nào dụi tóc vào bếp cháy xèo xèo mới lên giường được. Những chi tiết ấy, “trong nghề” gọi là “biểu cảm đến kinh khủng”, tôi chưa bao giờ viết được một truyện giản dị đến thế.
Các con lớn lên, không muốn ở chân Tam Đảo, đứa ra Thái Nguyên, về Hà Nội, đứa lang thang mãi Nha Trang, Tây Nguyên. Rồi cũng đủ ăn, khá khẩm cả, đón mẹ về. Nhưng cứ đến ngày giỗ bố mẹ chồng, bao giờ chị cũng phải quay lại xó núi. Thi thoảng tôi đến thăm, chị đã điếc đặc, chả chuyện trò gì được, chỉ biết lo đi làm món gì cho cậu em. Dâu con thì cũng có người hợp người không, đứa chịu gãi lưng cho lại xa quá, đứa gần gần không tỉnh thành thì công chức, lúc nào cũng “vội”. Đoạn cuối, được ăn thức mình muốn thì lại chỉ nằm cho đút, chả hiểu có nhận biết được gì…
*
Chị nằm trong áo quan, rất diện, phấn son khăn “xếp” không nhận ra. Một bà cô, hình như chả bao giờ thăm viếng lúc chị ốm, bỗng xuất hiện, đứng ra lớn tiếng chỉ đạo. Ông dân phố đang điếu văn, bà cứ đòi bỏ cái nọ kia ra, nháo nhào lên mà không thể ngăn. Lúc khiêng ra khỏi ngõ, hàng xóm lại bảo quên bát hương à, sau thủng ra bát ấy chỉ để cúng vọng ở nhà, bát trên áo quan mới là cái sát cánh với chị. Đấy là lũ cháu chỉ xem một chỗ, chứ lắm thầy nữa dễ ra thối ma, bỏ mẹ ngay.
Gia đình, cụ thể là hai con lớn, quyết định hỏa thiêu mẹ ở Hóa thân hoàn vũ rồi đưa về quê bố trên Thái. Hai đứa ở Tây Nguyên, Nha Trang, lúc ở đài, không được trông cảnh ngọn lửa thiêu đốt thế nào, rất xót xa. Rồi yên tâm hơn khi nhìn mẹ trong hình đám xương chứ không phải “dạng” bột. Khó thông nhất là quê, ai cũng một mực “Lẽ nào không đủ đất để mẹ mày nằm”, “Các cháu đi xa, quên thói đào sâu chôn chặt rồi”. Đến nỗi thằng cả lo: “Cháu sợ các bà thím hôm nay sẽ khóc đểu”.
Khoảng đồi đặt đám gần ngã ba, ngả vào nhà ông em chồng chị, nghe nói cũng sống thực vật hơn chục năm, ngả lên vài chục bước đến nghĩa trang gia đình. Địa điểm không thể khác, vì tiểu quách không thể mang vào nhà, mà khách viếng xong thì cần vào nhà nghỉ ngơi. Thuê rạp, bàn ghế, ấm chén ngay trong xóm. Đất chè nhưng uống nước nhân trần, hết lại tiếp. Đồi chè trồng xen muồng, keo tha hồ để xe. Người viếng mang đôi cân gạo, báo danh xong đổ ra mâm, thêm phong bì rồi đặt lên “án”, tức cái bàn Xuân Hòa. Chị nằm trong tiểu phủ vải đỏ, sau tấm phông trắng lấm tấm vệt giấy hồng, chắc hình hoa đào ngày tết. Người không góp gạo thì lo nải chuối xanh, gài phong bì vào rồi đặt lên mâm. Tôi rất muốn biết mỗi phong bì bao tiền, nhưng không thể hỏi. Tôi đã ăn cỗ dưới đồng bằng, mâm nào cũng để sẵn sáu túi ni lông, đàn bà thường chỉ ăn cơm canh, còn thịt xào, giò chả đem về nhà kẻo phí.
Xe chở tiểu quách vừa xuất hiện là nháo nhào rồi. “Chị ơi” “Bác ơi”, hình như không nháo nhào không xong. Bà thím cuống cuồng “Bình hoa đâu nến đâu, bảo là cái gì cũng đem về cả mà không có”, mà nào các cháu có quên thức gì. Vài ông năm mươi - đã cháu nội ngoại đủ cả - ra nhận “chú”, tôi chả biết ai.
Đáng nói nhất là đội nhạc hiếu, xã bên sang. Là linh hồn, là đạo diễn. Một cô trống phách, một bà thanh la (thủng), một ông ghi ta điện (đáng lẽ phần “giai điệu” phải là nhị), hai ông thay nhau ngâm khóc và thổi kèn tàu, một ông đàn bầu. Ban tổ chức đưa tờ giấy báo danh, người viếng quỳ trước di ảnh, họ tấu ngay thành làn điệu, “hiện” trong đôi loa thùng to tướng.
Chẳng hạn:
“Sau đây đội nhạc hiếu xin thay mặt tấm lòng các cháu Đào cháu Mận cháu Xuân gửi đến vong hồn bà… Bác ơi chúng cháu là cháu Đào cháu Mận cháu Xuân, đứt lòng nhìn thấy bác trở về trong hình hài tro bụi. Bác ở nơi xa chúng cháu không được chăm sóc, tấm lòng tạ tội nặng nề lắm bác ơi. Cầu xin bác về nơi xa phù hộ độ trì cho chúng cháu được khỏe mạnh bằng an, không lo đói kém…”.
“Sau đây thay mặt tấm lòng các em dâu Minh, Đằng, Mý đằng cô Bốn. Chị ơi chồng chúng em thuở nhỏ được anh chị bế ẵm, nay đã về cõi vĩnh hằng cả, chúng em không được ngày nào báo đáp ơn chị, đứt lòng đứt ruột ngày hôm nay đây chị ơi. Các cháu đều ở xa bận công tác gửi chút lòng về khóc chị. Chị sống hiền lành phúc hậu, chết thiêng cho chúng em được sống tươi tốt, các cháu làm ăn được mau tiến bộ…”
Đại để đều có xưng danh, ca tụng người chết, tỏ thương xót và xin phù hộ. Lời lẽ ra văn vần, rất hợp với làn điệu cây ghi ta, kèn tàu tấu lên, giữa chừng là tiếng “hấc hấc”. Hai ông thay nhau khóc, một ông làn thảm lâm khốc kiểu chèo, ông kia đúng lối sáu câu vọng cổ, xưng danh người viếng dù một hay năm sáu mà lại vẫn cứ khớp nhịp lên xuống đúng chỗ mới tài. Mỗi lần khóc họ nhận được mười nghìn, người nhờ thay mặt đưa cho. Mà hình như không thể ngừng khóc, vì lúc vắng khách là con cái lại đưa tiền để được “nhân danh” hộ. Hay là thế nó mới đông vui, như nhiều chỗ tụ tập uống rượu đánh bài nửa đêm có cháo gà, nay thêm khoản khóc bằng karaoke. Tính ra ngoài tiền công chính thức, có lẽ khoảng 2 triệu, họ nhận thêm chừng triệu nữa. 5 người chia nhau thành sáu trăm mỗi anh, không biết là rẻ hay đắt cho cái công sức ngồi suốt ngày ngửi âm khí và hương khói, khóc cả đêm chắc còn mệt nữa. Nhưng đắt chắc không thể hơn, mà rẻ cũng không thể kém nữa, ở chốn bán sơn địa nghèo túng này (Hà Nội, khóc “thay mặt” là ba chục nghìn).
Tôi chả ở làng này xóm này, không rõ những câu khóc có liên quan gì đến tình cảm người nhờ khóc dành cho chị thế nào, không dám cho chúng là không thật nhưng vẫn băn khoăn: đi đám nhất thiết cứ phải khóc, khóc to và liên tục à? Và đám hiếu có phải còn ý nghĩa là nơi gặp gỡ nhau, trò chuyện ở cái xó rừng u tỳ này không? Đấy là những “quan sát thị dân” dòm vào cuộc sống nơi vắng vẻ, chỉ cách nay vài chục năm con người năm còn phải dựa vào nhau chặt chẽ để chống chọi lại muông thú, suối lũ; không nên thế chăng?
Không nghe câu “khóc đểu” nào như đã tính. Sau này cháu tôi bảo “đã có chỉ đạo” cả. Nhưng lúc ăn uống, vẫn lọt vào tai những trách móc “sao không đào sâu chôn chặt?”, “đất này làm gì đến nỗi sáu chục triệu bằng chiếc chiếu đôi như công viên Vĩnh hằng”… Tức là ngược lại, người đồng rừng thật khó thể tình cho đám con chị, ít nhiều đã quen với sinh hoạt nhanh, gọn ghẽ, thuê khoán ở phố.
*
Đưa chị đi từ nửa đêm, làm đám từ hơn 7 giờ đến 2 giờ trưa, giữa thay nhau nghỉ ăn uống. Tôi lử cả người vì nắng, và vì đôi chén quá đi lúc ngồi mâm với chủ tịch hội đồng nhân dân xã, nhận ra cùng quen biết ai đó. Bèn kiếm một bóng mát ngồi, không xa quá chỗ kèn trống. Đây là xã An Mỹ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, nay gọi xã Mỹ An. Hơn 40 năm trước, tôi ở gần đây, đến thăm chị, đứng chết trân ngoài cổng vì đàn chó dữ. Chị ít nói, thịt gà cho ăn, ông chồng rất khéo miệng. Dòng suối ngày nào đầy ắp, ngày mưa lũ kéo lên ngập sân, nay chỉ còn xâm xấp. Tam Đảo xa kia, bị húi tiệt rừng, ngày nắng đố thấy những vệt trắng – là con thác – trên nền xanh nữa. Rất lâu rồi, không biết từ bao giờ, tôi mới gặp lại “cảnh” mình đang ngồi chỗ râm mát thì nắng nó “bò” đến.
TC ,21-5-2011

4 nhận xét:

TQtrung nói...

Rất hiện thực, rất hài hước, hehe!
TC lột tả chân thật một vấn đề đang hiện hữu trong xã hội nông thôn, hôm nào làm cái nữa về thành phố, cách thể hiện của người đời chắc khác hơn tý( nhưng tính chất như nhau thôi!!!)
Hay.
Cám cảnh cho bà cụ, ông chồng bỏ sang ở với em dâu số phận ra sao nhỉ?
Nhất trí với quan điểm sống khỏe chết nhanh, bà già tôi 86 nằm một chỗ vài năm nay, suốt ngày mở tivi nhìn đời, ngày hai buổi tôi đến hầu cơm, vẫn sống không ốm đau gì, có lẽ trời chưa cho bà về. Chắc bà cũng không thiết tha gì cuộc sống như vậy, nhưng biết làm sao?

hadongtran nói...

Nhà văn , lại mảng văn-xã thì mới nhìn và viết đc như vậy. Đây có lẽ là chị cả của cậu ( ông già - 110 tuổi , chị cả 84 ).
Hôm rồi ông anh cọc chèo của mình ( 84 tuổi ) chết . Thanh tước hết chỗ nên đưa ong lên công viên vĩnh hằng .Phải lên mới thấy , bọn tư bản mới nó kinh doanh đất " chết " thế nào - tủn mủn , xấu xí mà đắt kinh người - tiêu chuẩn đại tá 3 thời kì - đánh Pháp , Mỹ ,Tầu mà gia đình vẫn phải chi tầm 100 triệu .
Ong anh mình ngày xưa làm phó cho bác Quỳnh ( hiệu trưởng ) ở cục quản lí gì đó TCCT , 2 người thân nhau lắm . 2006 ông Q ốm sắp mất , vẫn còn ấm ức chủ nhiêm CHM về cái vụ nổ ở Lí nam đế - hứa 1 đằng làm 1 nẻo .

Chien Tran nói...

Chị mình còn ông bên trên nữa, còn thì 86. Đấy là chưa kể hai đốt trên chết non do đói kém.

Ko muốn viết là chị ruột, nó đỡ phải giữ gìn. Khi mình in cái truyện kể trên, đám cháu nó buồn, mình cũng áy náy, nhưng viết văn nó cứ phải độc ác thế mới ra số phận con người cơ. Sau ông chồng bị đám cháu gọi bác đánh, ko sang em dâu nữa. Cảnh đồng rừng ghê thật.

Hôm ấy ngồi với Quang, chủ tịch HĐND xã, bảo xưa thày Tuấn hiệu trưởng ở. Và chỉ sang phó chủ tịch xã, "ông Quỳnh ở nhà ông này"

Tualinh nói...

Một truyện hay 'hoàn hảo'!

Mà sao trong tranh Đông Hồ ko thấy tranh vế 'đám hiếu' nhỉ?