Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

LỊCH SỬ HÀ NỘI- PHILIPPE PAPIN

Philippe Papin cựu học sinh khoa Sử trường Đại học Sư phạm Saint-Cloud, thành viên Viễn Đông Bác Cổ, đã sống ở Hà Nội từ năm 1991 đến năm 2004, hiện là giáo sư trường Cao học thực hành thuộc Đại học Sorbonne. Dưới đây là phần viết về Hà nội từ 1954 cho đến nay trong tác phẩm mang tựa đề Lịch sử Hà Nội. Kể từ năm 1945, khi nông dân bỏ làng quê và chiến tranh,dân số Hà Nội hkhông ngừng tăng lên. Năm 1954 Hà Nội có khoảng 400.000 đến 450.000 dân. So với tầng lớp nông dân thì người HN có cuộc sống khá sung túc, đặc biệt là cuộc chiến tranh Đông Dương đã khuyến khích kinh tế thành phố phát triển... Hà Nội là một thế giới kỳ lạ, thậm chí mang mầu sắc nước ngoài, bởi nó có dấu ấn của thời kỳ thuộc địa trong con mắt của các vị lãnh đạo Đảng và quân đội phần lớn xuất thân từ nông thôn đã được đào tạo về cải cách ruộng đất và"chỉnh huấn tư tưởng" theo kiểu Trung Quốc. Đưa nông thôn về thành phố Thành phố giờ đây đã được điều hành theo tư tưởng của những cán bộ lãnh đạo từ chiến khu trở về. Họ không được người HN tâm phục khẩu phục vì trong con mắt ngườ dân ở đây, họ chỉ là những nông dân thô lỗ được thăng quan tiến chức quá nhanh, những quan chức nhỏ nóng tính, ưa sử dụng những ngôn từ to tát, những khái niệm mác xit chưa thuần thục. Về phần mình các quan chức mới hả hê vì đã dạy được cho dân thành phố một bài học buộc những người này phải nhớ rằng những kẻ quê mùa,bảo thủ,lạc hậu,mê tín dị đoan đã từng làm trò cười cho báo chí ở HN, giờ đây đã đấu tranh giải phóng đất nước. Tình trạng căng thẳng ngày một gia tăng giữa quân cách mạng,những người đã"giải phóng HN" và người dân thành phố "được giải phóng".Một hố sâu ngăn cách giữa các chiến sĩ cách mạng và những công dân bị động, giữa những người tham gia kháng chiến và những kẻ trùm chăn chờ thời. Chính những người nông dân chất phác như nhân vật Lý Toét trước đây giờ trở thành những người lãnh đạo đất nước, những cán bộ nông dân này không sợ bất kỳ ai, bởi bên cạnh mong muốn phục thù, họ còn có quá trình cầm súng và một nguồn gốc xuất thân trong sạch. Trên một đất nước có nền công nghiệp kém phát triển, còn ai có thể thực sự là người vô sản hơn họ ? Người HN không phải là vô sản, họ đành phải im lặng, nhưng trong lòng họ thấy rằng thành phố lại một lần nữa bị tụt hậu. Năm 1802, vua Gia Long đã giao HN cho các quan hàng tỉnh trị vì, đến năm 1888 người Pháp dựa vào các trưởng phố thực chất chỉ là một đám thị dân và nay thì HN nằm trong tay một đội ngũ nông dân. Năm 1986 nhân bối cảnh chính trị cởi mở hơn, một số người nhiều tuổi có máu mặt trong thành phố đã lên tiếng phàn nà n rằng trong đội ngũ lãnh đạo thành phố không có một người HN gốc nào. Nhà văn Tô Hoài được giao nhiệm vụ trả lời họ bằng cách viện dẫn rằng HN luôn là nơi tiếp nhận người tứ xứ, ông còn ranh mãnh nói thêm rằng bản thân nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng của HN cũng xuất thân từ Hà Tĩnh, một vùng quê có"truyền thống cách mạng" ở miền Trung. Năm 2000,trong số 9 vị lãnh đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, chỉ có một hngười gốc HN.Ở Quốc hội, số đại biểu nguồn gốc HN chỉ bằng nửa số người gốc Hà Tĩnh,một tỉnh có số dân bằng nửa số dân HN.Ở Việt Nam không có phong trào "Hà Nội hóa" theo kiểu"Paris hóa" ở Pháp,mà ngược lại, tính đại diện của HN khá mờ nhạt. Các chiến sĩ cách mạng giờ đây đã làm chủ thành phố và họ hết sức cảnh giác bởi không những dân thành phố đã không tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, mà thành phố trước đây còn là cái nôi của tầng lớp tư sản và trung lưu phức tạp ít thiện cảm với cách mạng.Còn một nguyên nhân quan trọng nữa là HN đã từng là nơi ăn chơi đàng điếm,thành phố của các quán cà phê,cô đầu,rạp chiếu bóng và biệt thự kiểu Pháp, những biệt thự thật đẹp nhưng cũng dễ làm sa ngã lòng người. Hơn nữa HN từng là nơi có truyền thống chống đối chính quyền một cách khôn khéo thông qua giới báo chí sắc sảo và những quy tắc đã thấm sâu vào cuộc sống thường nhật. HN đã từng là khởi điểm của chế độ thuộc địa,là công cụ duy trì chế độ này,vì thế giờ đây HN đáng bị ngờ vực. Để hạn chế quá trình gia tăng dân số ở thủ đô,ngay từ năm 1955 chính quyền đã buộc các gia đình mới đến định cư ở đây trong hoặc sau chiến tranh Đông Dương phải trở về quê quán. Sổ hộ khẩu ra đời nhằm kiểm soát chặt chẽ các hộ gia đình ở cả nông thôn và thành thị,không cho phép người dân tự do di chuyển. Những ai muốn tự do di chuyển dù chỉ trong thời gian ngắn cũng đều phải khai báo với chính quyền ở cả nơi đi và nơi đến...Đây là thời điểm chấm dứt việc tự do đi lại giữa HN và nông thôn, yếu tố từng tạo nên sức sống về các phương diện thương mại, xã hội và văn hóa của thủ đô từ nhiều thế kỷ nay. (Lược trích từ bản dịch của Mạc Thu Hương Nhã Nam- nxb Mỹ thuật 2010 )

4 nhận xét:

Chien Tran nói...

Cái ông người HN duy nhất trong 9 lãnh đạo tp năm 2000 sắp làm tổng bí thư. Vui quá còn gì, Philipe Papin?

Chien Tran nói...

LC: mình nghe là TQ đưa Tứ khố toàn thư của họ lên mạng. Đúng ko? Nó gồm những gì, và có thể ảnh hưởng gì tới giới nghiên cứu sử nói riêng,các lĩnh vực khác nói chung? Cậu "kể" tường tận tý nhé

lecong nói...

TC:Về "Tứ khố toàn thư" những thông tin cần thiết,có thể tìm trong Google,tớ không nghiên cứu sâu về lịch sử TQ.Có một số bài viết về vấn đề này có thể tham khảo như "Công và tội của vua Càn Long với văn hóa Trung Hoa" trên cand.com (1/10/2008)hoặc -Bộ'Tứ khố toàn thư' của TQ xuất bản trên đĩa CD-ROM- của Ngô Thế Long trên Tạp chí Hán Nôm-1999,số 2.

Chien Tran nói...

Sẽ tìm google. Nếu có thì nhiều ý nghĩa, hậu hiệu quả gì đấy lắm. Giới sử chỉ dựa theo mấy cụ nhà mình, hoặc văn bản thứ cấp, giờ có cái để so sánh rồi thì...