Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

The Diplomat: Trung Quốc của George Orwell?

William de Tocqueville
(Tác giả là một giáo sư kinh tế tại một trường đại học ở Trung Quốc. Ông đã yêu cầu giấu kín tên thật. )
Trong kỳ lễ mừng Năm mới ở Trung Quốc, một nhóm hành khác tại nhà ga Thiên Tân đã bị công an giữ lại, bắt họ họ xách hành lý đứng chờ trên sân ga dưới làn gió lạnh cắt da để một nhóm nhỏ những đảng viên Đảng Cộng sản bước lên toa hạng nhất. Giận dữ vì sự bất công, một sinh viên luật tại Đại học Bắc Kinh đã chụp lại hình ảnh này bằng điện thoại di động. Một vài công an mặc sắc phục và thường phục nhào đến cô, bắt cô phải nộp máy và đi với họ. Khi họ chộp lấy cô, cô đã la lên “như con mẹ hàng cá” (theo lời của chính cô), tạo ra một cảnh ồn ào khiến họ phải thả cô đi.

Ngay sau khi lên tàu, cô đã đăng câu chuyện của mình trên trang blog ngắn của trường, sau đó nó đã tràn lan như lửa rừng hoang trên mạng Internet ở Trung Quốc. Từ khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền vào năm 2003, ông đã đưa sự công bằng là vấn đề trọng tâm trong lịch trình của mình. Hồ, cùng với cơ sở quyền lực của ông là Đoàn Thanh niên Cộng sản xem sự cách biệt ngày càng lớn giữa giàu và nghèo như là một mối đe doạ nghiêm trọng đến ổn định xã hội và chính trị. Kế hoạch Năm năm mới nhất của đất nước, được công bố vào tháng Mười một năm ngoái, nhằm vào việc phân phối thu nhập công bằng hơn để thực hiện khẩu hiệu “phát triển chung”, phản ánh niềm tin rộng rãi trong giới lãnh đạo Đảng rằng châm ngôn của Đặng Tiểu Bình “Để một vài người làm giàu trước” — đã đi quá đà. Tuy nhiên sự kiện trên sân ga cho thấy không có mối liên hệ giữa sự quan tâm của chính quyền về bất công thu nhập và những gì đang làm quần chúng bực bội. Người dân không bực bội vì sự giàu có mà là quyền lợi ưu tiên. Nói chung, những người lao động Trung Quốc bình thường ngưỡng mộ những ai làm giàu nhờ thông minh và cần cù, vì đấy là tấm gương mà họ mong muốn làm theo. Điều làm họ phiền lòng là cảm giác ngày càng tăng về một tầng lớp đặc biệt đang sống theo một luật lệ khác hẳn mọi người. Một đêm tháng Mười năm ngoái, tại thành phố Bảo Định nằm ở phía tây Bắc Kinh, một người lái xe 22 tuổi say rượu đã cán hai nữ sinh viên đại học – sau đó thản nhiên lái xe đi thẳng để đón bạn gái của mình cách đấy vài con phố. Một trong hai cô gái đã nằm chết trên vũng máu của mình. Khi một nhóm người chứng kiến đi theo và chất vấn kẻ gây tai nạn, anh ta đã khinh khỉnh phớt lờ. “Có dám thì cứ kiện tao đi,” anh ta thách thức, “Bố tao là Lý Cương!” – phó công an huyện. Đây chỉ là sự kiện mới nhất trong hàng loạt những tai nạn cán người rồi bỏ đi với những thanh niên lái xe hùng hổ dường như được tự do lách luật nhờ quan hệ chính trị của gia đình. Bất chấp cố gắng rất nhiều của chính quyền nhằm ngăn chặn câu chuyện lan truyền, nó nhanh chóng trở thành một câu chuyện nổi tiếng trên mạng Internet ở Trung Quốc với châm ngôn “Bố tao là Lý Cương!” xuất hiện như là một mệnh đề chung ám chỉ nạn tham nhũng và ngông nghênh của quan chức. Dưới áp lực dữ dội của công chúng, con trai của Lý Cương cuối cùng đã bị truy tố và tuyên án sáu năm tù. Giả thuyết tại Bắc Kinh là chính quyền cần can thiệp một cách chủ động hơn nữa để đối phó với nạn bất công. Nhưng vấn đề thật sự ở đây là các quan chức chính quyền đang có một vai trò thống trị quá lớn trong việc chỉ định kẻ thắng và người thua trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống. Việc thiếu trách nhiệm, cùng với thói quen cố hữu là bênh vực gia đình và bạn bè, đã làm lớn thêm cái vòng tuần hoàn ác nghiệt, trong đó quyền thế tạo ra tiền bạc và tiền bạc mua được ảnh hưởng. Theo một thăm dò mới đây của YouGov và Học viện Legatum ở London, 93% doanh nhân Trung Quốc xem mối quan hệ với quan chức chính quyền như là yếu tố quan yếu cho sự thành công của doanh nghiệp. Tìm cách thăng tiến có nghĩa là tìm cách có được những đặc ân. Chính sách thuế của Trung Quốc là một bằng chứng. Cơ quan quản lý thuế của quốc gia ước lượng rằng những lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp chiếm hai phần ba tổng số thuế thu nhập cá nhân, thật tương phản với Hoa Kỳ, nơi top 5% thành phần có thu nhập cao nhất nước đóng góp đến 60% tổng số thuế thu nhập cá nhân trong cả nước. Sự khác biệt không nằm ở tỉ giá thuế – với nhóm thuế cao nhất ở mức 45%, thật sự là Trung Quốc có biên độ thuế cao hơn Hoa Kỳ, đứng thứ hai sau Pháp trong “chỉ số khốn khổ vì thuế” dựa trên danh sách tỉ giá thuế của tạp chí Forbes . Cách biệt ở đây là nạn trốn thuế hoàng hoành. Trên lý thuyết, các nhà triệu phú Trung Quốc có thể phải chịu thuế cao, nhưng trên thực tế họ chỉ đóng rất ít. Theo một nghiên cứu gần đây của Credit Suisse, được thực hiện bởi Giáo sư Wang Xiaolu thộc Quỹ Cách tân Trung Quốc, tổng cộng thu nhập bí mật và không được báo cáo ở Trung Quốc có thể lên đến 9,3 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỉ đô la), tương đương với 30% GDP. Gần hai phần ba của thu nhập bí mật là từ top 10% những gia đình có thu nhập cao nhất; 80% thuộc về top 20% những gia đình có thu nhập cao nhất. Kết quả là khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa top 10% gia đình có thu nhập cao nhất và top 10% gia đình có thu nhập thấp nhất ở thành thị thì rộng hơn rất nhiều (26 lần) so với dữ liệu của chính phủ (9 lần). Đây là một nỗi đau về thu nhập. Theo báo cáo của Credit Suisse, “Các dữ liệucho thấy thu nhập mờ ám bắt nguồn từ việc lạm dụng quyền lực và liên quan mật thiết với tham nhũng.” Nói cách khác, chính quyền lực mà các quan chức chính quyền có được chứ không phải là sự thiếu vắng của nó, đang tiếp sức cho nạn bất công và thổi bùng cơn giận dữ của quần chúng. Cơn giận dữ đã được xoa dịu bớt phần nào nhờ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế kỳ diệu của Trung Quốc, giúp giải thích vì sao giới lãnh đạo Trung Quốc lại quá mê say đạt được những mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt là trong hai năm qua, Trung Quốc đã có thể nói với người dân rằng “Anh thấy mình không hạnh phúc? Anh có phước mới được sống ở đây chứ không phải ở nơi khác.” Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mức tăng trưởng đi xuống? Hôm nọ, tôi đang đỗ xe dưới một bãi đậu xe ngầm ở Bắc Kinh và bắt gặp một hình ảnh đã quá quen thuộc. Một chiếc xe hạng sang bốn chỗ màu đen với biển số đỏ của Công an Vũ trang Nhân dân vừa đỗ vào một chỗ dành riêng cho người khác. Khi người giữ xe đến và nhẹ nhàng đề nghị người lái xe đưa xe đi nơi khác, anh ta phản ứng dữ dội. “Mày là ai? Mày chẳng là ai cả!” anh ta miệt thị, lớn giọng đến nỗi các bức tường bê tông dường như rung chuyển. “Tao sẽ đập nát mày như dòi bọ!” Bố của anh ta có thể không phải là Lý Cương, nhưng chủ ý thì vẫn rõ ràng. Trung Quốc ngày nay cũng giống như “Trại Súc Vật” của George Orwell, một số súc vật thì bình đẳng hơn những súc vật khác.

3 nhận xét:

Tualinh nói...

Đọc bài này,tôi ko thể ko suy nghĩ nghiền ngẫm về những mâu thuẫn gay gắt tồn tại ở bất cứ đâu trên quả đất này ,trong xã hội ngày nay ở thế kỷ 21 - mà nó có thể dẫn đến nhưng cuộc CM thay đổi thể chế.
Bất công và độc tài - cũng như thế kỷ 20 - vẫn là nguồn gốc làm bùng nổ sự nổi dậy của nhân dân,nhưng hình thức và phương pháp cũng như quá trình diễn biến có vẻ đã khác?
Vậy nó là gì và tại sao?
Thật bổ ích nếu được nghe ý kiến của các bạn.

Chien Tran nói...

Bài này cho thấy sự man rợ ở tq dường như (?) trắng trợn hơn ở ta. Nhưng có vẻ hai vụ đưa ra làm thí dụ với vđ tác giả định nói nối với nhau ko chặt lắm. Có cái thú vị là "phát hiện" muốn giàu có chắc chắn, làm ăn ngày càng phất thì phải chơi thân với chính quyền.

TQtrung nói...

Tôi thì tôi nghĩ là vấn đề tác giả đặt ra với TQ có vẻ khá giống ta, khi mà tầng lớp quan chức mới, kèm theo đó là các lực lượng sức mạnh dường như có nhiều vấn đề, "lớp con ông cháu cha mới" hoành hành ngày càng nhiều, cái đó góp phần làm xói mòn lòng tin của người dân với chính quyền. TC nói dường như bên đó trắng trợn hơn bên ta, nhưng thật ra với số dân hơn một tỷ, tính tỷ lệ vụ việc so với 90 triệu dân ta thì có khi ta nhiều hơn họ, các tệ nạn tương tự kiểu "Múa kiếm "ở sân bay nhiều lắm. Quan chức địa phương vùng sâu xa đánh cả phóng viên là chuyện thường.
Tôi vừa đọc bài của HĐ Ở blog K3, Nguyễn Trọng Tạo là chồng cũ của KT
(Quế MF) một blogger trường Bé, hình như có một nỗi đau với Q, không chắc lắm nhưng nếu có bình luận thì các bạn chú ý một chút để tránh có gì nhạy cảm nhé, là tôi lo xa vậy nhưng chắc không có gì đâu.