Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

CHẾ LAN VIÊN- THƠ

Một vài dòng thơ của ông để cùng suy ngẫm


Triết (2) 
Các dấu môi son nhà thơ để lại
Các nhà triết đến chùi,
                 có chùi được đâu!
Thà cứ để cho thời gian giết nó
Rửa nó bằng lãng quên, 
               cái nước của sông Mê, bến Lũ,
Chứ bằng nước thánh của triết kia 
                                          thì có được nào.



Chữa lành
 Những vết thương gây bởi mùi hương, lâu lành hơn cả
 Chữa lành ư ?
 Lại phải có mùi hương,
 May quá ! 
Đây là vết thương không chẩy máu không có hình, không có sẹo
Và anh có thể đi lại, tươi cười, dẫu bị tử thương.


 Tro và lửa
  Tro bao giờ cũng tồn tại lâu hơn lửa
  Lửa hoan lạc một giây, tro cay đắng một muà
  Anh thiêu tất cả quá khứ thành ra nắm tro 
                                                              là thơ đấy
  Và thiêu hồn anh sau này không là lửa
                                                             lại là tro.


  Thua ong 
 Đến với hương, anh cứ phải đi vòng
 Đi bất tận mà thua loài ong nhỉ :
 Vụt một cái chúng vào sâu tận nhụy
 Vào cung hoa thầm kín nhẹ như không.

9 nhận xét:

Tualinh nói...

Tôi chỉ khoái bài "Thua ong"

Chien Tran nói...

Tớ cũng giống TL. Nhiều người thích cái trí tuệ của ông ấy, nhưng tớ lại thấy ông ấy làm phức tạp những cái đơn giản. Và biết đến những gì khôn ngoan quá của ông Chế thì lại ảnh hưởng khi đọc thơ

Tualinh nói...

@TC : cậu cho mấy ví dụ đi.

Chien Tran nói...

Như bài "Triết" tớ thấy nó hơn cái nhận xét một tý. hai bài sau lộn trái ra phải rồi ngược lại, hoa cả mắt, may có câu cuối "bị thương mà ko ai biết" thì sâu sắc. Lắm lúc có cảm tưởng ông ấy đùa nhả, làm xiếc cho bọn trẻ con chạy theo quả bóng mầu.
Còn cái khôn ngoan thì là mình so với cách xử sự cùng đám thơ mới hay bạn văn nghệ khác. Chế đánh nhân văn, Xuân Diệu thì ko đánh, và bảo tôi làm bài này (kiểu ca ngợi lao động, ko phải thơ tình - sở trường của ông) là thơ đóng thuế thân. Nguyễn Khải vào quốc hội nói thật thà "đi thực tế", ông này vẫn tụng ca nghiêm văn túc. Nói chung khôn quá, mà thông minh quá khó bắt bài được.
Nhưng sau khi chết, gia đình ra cái "Di cảo" thì sám hối đến nơi, đại để phân bua nói thế vì tình thế nó này nọ, mà nói thuyết phục, cao đạo, sang trọng. Quyển này hay thật, hội nhà văn VN cho giải thưởng.
Đám văn nghệ đàn em cỡ 80 tuổi trở lại nhìn ông Chế vừa phục vừa chán nản. Còn mình ko hóng hớt được nhiều.
Mình nhớ trước đọc bài "Bé Thắm đàn", kể ăn xong con gái chơi pianô, mẹ rửa bát, bố đọc báo, câu kết thế nào ko rõ nhưng nó ra một bài thơ. Chúng mình, ai thì ko nhớ, bảo ăn xong chơi đàn đau dạ dầy, ko hợp vệ sinh. Rồi tranh luận um lên rất nhí nhố.
Em Thắm là Vàng Anh, cũng thông minh, sắc lẹm, nhưng mình lại thấy chơi được. Mà tịnh ko nhắc đến phụ huynh.

Lắm lúc ngắm nghía thế hệ văn nghệ trước, thấy mình nghiệt ngã, mà lại ko thể ko thế

hadongtran nói...

TC : Mình hay lẫn ô. này với Hoài Thanh .Ai trong số 2 ô. được Ng Tuân đặt cho hỗn danh là " trưởng ban vỗ tay " nhỉ ?

Nghĩ cho kĩ thì thế hệ văn nghệ sĩ cũ ( tuổi ngoài 80 ) vừa đáng thương lại đáng giận .
Cùng là con người nhưng có lẽ họ " mong manh " nhất - theo cả nghĩa đen lẫn bóng ! Vì vậy với chủ trương " đào gốc , trốc rễ " họ bị tổn thương nặng nhất - thể xác , tâm hồn .Từ đó sản sinh ra 1 lớp theo đuôi - " vị cấp trên " khá đông đúc cũng là lẽ đương nhiên .
Còn đáng giận : họ trút lên nhau những trận " đòn thù " - ác quá , mà chỉ do a dua , xu nịnh ...làm những người anh em hôm qua của mình - những con người tài năng và kiêu hãnh nhất - ko còn đất sống .

Các cậu vào trang Vương Trí Nhàn có bài viết về Pau. Có 1 lí giải hay : trong tình thế chuyên chính sục sôi như vậy , nhiều nghệ sĩ " lánh đời " bằng cách tả mây nước muông thú.... những niềm riêng ...và thành công nhất trong số đó là Pau. Tất nhiên còn nhiều khía cạnh khác , đáng đọc .

TQtrung nói...

Tôi có nghe câu thơ rằng:"Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế thế thời phải thế." của một người thất thế đối lại người thắng thế. Thời trước chúng ta, khi có chủ trương từ trên thì cấp dưới tận tụy mà thi hành, nếu muốn tiến nữa thì làm quá lên tý để tỏ lòng mẫn cán, đó là tâm thế của mấy ông làm văn hoá văn nghệ cấp trên, thời thế ấy có ai dám cưỡng, tôi có dịp vào trại hai Bất bạt rồi, cương mấy cũng sụm thôi. Cho nên nhiều danh gia lánh đời cũng phải, nhưng có phải vì thế mới có những áng thơ văn bất hủ về thú vui điền viên, cảnh quan non xanh nước biếc kì hoa dị thảo cho chúng ta đọc, cứ ngồi gác xép viết thì được mấy "thiên thai" như cụ Văn Cao!:-)

Chien Tran nói...

Cái hình ảnh ngồi gác xép của QT hay nhỉ.
Cái tâm thế tự tin ngạo mạn mà chê bai phán xét này là của bi giờ. Chứ trước đây bố bảo, các ông viết lúc nào cũng chễm trệ cái "trại hai" trong đầu. "Ăn mày là ai ăn mày là ta, đói cơm rách áo hoá ra ăn mày", chả biết thế nào mà nói trước. Nhưng ko nói nó cũng ra táo bón, mặt mũi khó đăm đăm.
Mình ko biết trưởng ban vỗ tay. Xem tính cách thì HT ko phải, kiêu kỳ bắc bậc như CLV lại càng ko. Nhưng biết đâu lại là cả hai

Văn nghệ ko ăn đòn mà "sạch" có ông Nguyên Hồng. Ko đánh hôi, bỏ mẹ nó về Nhã Nam Bắc Giang nằm. Đâm ra con cái cũng có chỗ thiệt. thòi.
Văn nghệ "sai" sợ nhất đòn của bạn văn. Đau hơn của cấp trên nhiều, hiểm mà ko thể ngờ đc. Nhiều ông đánh hôi xong cơn, về khinh bỉ mình, khinh quá ko viết được nữa...

hadongtran nói...

Khi hội họp giới văn nghệ nghe lãnh đạo nói chuyện , giáo huấn ... " me-xừ " của chúng ta thường chọn vị trí ngồi phía trên . Mỗi khi thủ trưởng ngừng lấy hơi hay chuyển ý gì gì đó , me - xừ nhanh nhảu vỗ tay " mồi " cho các cử tọa làm theo - trăm lần như 1 .Ng Tuân cực kì dị ứng với cung cách cha này , nên đặt tên tiếng Pháp gì đó , dịch ra tiếng ta là " trưởng ban vỗ tay !".

Chien Tran nói...

Bài Vương Trí Nhàn về Pau cho biết nhiều cái lạ. Như là có cả một dòng - tạm gọi - lánh đời, ko cao giọng dậy dỗ đúc kết, mà tinh tế, giầu chất thơ. Ko có ngoại ngữ nên dịch giả cho cái gì được xem cái ấy, một nền văn học chỉ là cái vòi voi
Ông Nhàn rất nghiệt ngã,mà bài về Tô Hoài bảo là "ác", nhưng ở đây lại rất ấm áp, cũng lạ.
Ở ta có Đỗ Chu cũng trữ tình, đằm thắm và dân tộc, nhưng ko nổi bằng những ông chính thống ngày xưa hay tích cực sám hối quá ngày nay