Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Thử bàn chuyện lớn: Nghiên cứu (không phải học) ở Đại học

03/01/2011 11:14:38
- Bình sinh, như đã nói, tôi là một người lao động. (Chưa khi nào tôi làm quan chức). Bây giờ lại bàn đến “chuyện lớn” thì chắc là buồn cười lắm! - Bee đăng kỳ cuối cùng trong "sàng khôn" xứ người của độc giả Tôn Gia Quý.

 Số là trước khi sang Đức tôi chỉ học tiếng Đức có đúng 19 ngày (mà chủ yếu là do vợ dạy). Sang đây chỉ một thời gian thì vợ con tôi sang đoàn tụ. Thế là tự nhiên có cây Đa (vợ tôi), và cây Đề ( con tôi) về tiếng Đức ở trong nhà. Thành ra việc học tiếng của mình có phần sao nhãng (vì việc gì về tiếng Đức cũng có vợ con lo cho rồi!).

Vì tiếng của mình “ngắn” nên khi nói tiếng Đức tôi hay nói theo kiểu tiếng Việt. Nghĩa là tiếng Việt thế nào thì mình cứ lắp y như thế khi nói tiếng Đức. Cho nên mới có chuyện một lần một đồng nghiệp phấn khởi khoe, con anh vừa mới tốt nghiệp trung học và điểm rất tốt. Tôi bèn hỏi, vậy thì sắp tới con anh sẽ học (đại học) ở đâu? Anh bạn lập tức nói từ “không” rất nhanh rồi lại chậm rãi nói: “Con tôi sẽ nghiên cứu về Hóa tại Đại học Tổng hợp Leipzig”.

Ở Đức, sinh viên coi thư viện là "ngôi nhà thứ hai".

  Sau này mới biết, nếu chúng ta nói “học phổ thông, học đại học” thì người Đức nói “học phổ thông” và “nghiên cứu (gì đấy) ở đại học.


Khi con gái tôi nhận bằng Diplom, vợ chồng tôi sang thăm cháu (cháu học ở tiểu bang khác). Đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến khuôn viên mênh mông của trường Đại học Tổng hợp.
Cháu chỉ vào thư viện và nói “đây là nhà thứ hai của con”. Giọng và khuôn mặt cháu rất buồn như là sắp phải xa một ngôi nhà thực sự. Cháu bảo, cháu ở thư viện nhiều hơn ở nhà.

  Vì hàng ngày hai cha con hay “nấu cháo” với nhau về đủ mọi chuyện ở trên đời, nên tôi hiểu quá trình đào tạo một sinh viên thực chất là một quá trình nghiên cứu có hướng dẫn và định hướng.

  Vừa rồi biết ở ta có cuộc vận động bỏ chuyện đọc ghi ở bậc đại học. Thiết nghĩ đầu tiên ta nên thay đổi cách nói. Bỏ cách nói “học đại học” bằng một cách nói khác.

  Thay đổi cách nói sẽ thay đổi được cách nghĩ và từ đó thay đổi được cách làm.

  Đoạn viết này chỉ là để cho vui. Chứ một cuộc vận động lớn như thế mà lại dùng một biện pháp đơn giản như thế thì làm sao mà xin được tiền ngân sách? 

  Tôn Gia Quý
 
Các cụ nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn“. Cái sàng của tôi chỉ có toàn những chuyện lặt vặt đại loại như thế. Tuy nhiên tôi cứ mạnh dạn viết ra.

Tôi nghĩ, nếu tất cả chúng ta - những công dân bình thường - được phép “lục lọi” các cái sàng của nhau, để tìm được một cái gì to tát vĩ đại là điều không dễ. Nhưng rất có thể sau khi “lục lọi” xong, trong lòng mỗi chúng ta lại có thêm một niềm vui nho nhỏ.

3 nhận xét:

Tualinh nói...

Tôn Gia tiên sinh gừi qua email cho tôi đường dẫn của một bài viết đã đăng trên Bee.net với mục đích "Có thì giờ thì đọc cho vui".
Nhận thấy bài viết có nội dung nhỏ nhẹ nhưng lại ẩn chứa ý tứ sâu sắc, nên mạo muội đăng lại trên blog nhà mình, cũng để ACE "Có thì giờ thì đọc cho vui".

Chien Tran nói...

Đọc buồn bỏ mẹ Quý ạ

lecong nói...

Ở nước ta còn có cả "học" tiến sĩ nữa.Còn việc "học" đại học thì khỏi nói, người ta có hỏi một SV "Em thi vào đại học để làm gì" trả lời" E đi học để làm vui lòng cha mẹ "Người hỏi ngỡ ngàng " chỉ thế thôi à" trả lời "Vâng,chỉ thế thôi"
Ở LX trước đây người ta hỏi SV nhiều nước,trong đó có VN " Vì sao bạn học tiếng Nga" SV Ảrập trả lời" tôi cần nghiên cứu KH", SV Lybi "vì tôi cần tiếp thu nhưng kiến thức cần cho đất nước tôi" Câu trả lời của SV Việt Nam
" Vì đó là tiếng của Lê Nin"
Kết luận : bó chiếu.cháo