Lan man Huế 6
Lên hiện đại đường mô?
Sau ‘85 lác đác, rồi rộ lên từ ’90, các thành phố lớn rùng rùng cơn sốt xây cất. Làm đường to nhà cao, kéo đầu tư nước ngoài, gọi vốn trong nước, gọi đó là công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đất đẹp nhất đểu muốn bứng để liên doanh, bởi chả còn cách nào nhanh hơn, người có tiền, mình thì từ vốn đến con người chuyên nghiệp đều hẻo. Nơi khác không biết, Hà Nội xẻo ngay đất thiêng cạnh hồ Hoàn Kiếm làm khách sạn Hà Nội vàng, báo chí đánh cả trăm bài mới thoát. Xưa từ thời Pháp đã quy định chiều cao nhà không được vượt đường hợp góc 30o với mặt hồ tính từ mép nước, thời ta định rằng ko cao quá 16 mét, mà Hà Nội vàng định lên 24 mét chưa kể tầng hầm.
Có học giả to mồm phản đối xây cao quanh hồ này, chính quyền cho đi nước ngoài, về im re. Tớ là một trong mấy thằng khởi xướng đánh HN vàng, giờ thấy mấy mợ quần đùi đi thể dục, mấy lão già ham sống thở dưỡng sinh trong cái không gian chưa bị xây dốt chặt ấy, thấy tự sướng.
Tới giờ, hồ Gươm, được gọi là “lẵng hoa giữa lòng thành phố” vẫn còn chưa thoát khỏi nguy cơ bị hoả lực của khát vọng phồn vinh oanh tạc. Năm kia ngành điện điên hay sao ấy, lại muốn xây siêu thị phía đông hồ, tất nhiên đâu đó phải có thằng bật đèn xanh, “nó” lại đánh cho. Dẹp!
Miền Trung, ngoài xây cất, còn rùng rùng sốt cảng nước sâu và nhà máy đường. Tỉnh tỉnh đua nhau, xong bỗng thấy vùng nguyên liệu, nhu cầu vận chuyển, đầu ra, hạ tầng… chưa ai lo. Huế cũng có nhu cầu ấy, nhưng hình như sốt không cao bằng. Trước tiên vì tiếp cận cái mới ngập ngừng hơn. Có một truyền thống, di sản chả nơi nào bằng kia mà (HN nhiều di tích hơn nhưng lại ko hợp thành quần thể).
Có một quy luật, muốn làm dự án to nhỏ nào, phải tiếp cận lãnh đạo trình bày, hứa hẹn, biếu xén… Sau đó quán triệt trong đảng bộ, quan chức, xong đem ra họp báo hay cứ áo gấm đi đêm, nghĩa là lẳng lặng lên cho chuyện đã rồi. Nhưng nói chung với Huế đều thất bại. Con người ở trong nhà vườn có cái họ gọi là “tiểu viên” – ngôi vườn nhỏ trong người – không chấp nhận. Và khi công nhận di sản văn hoá, UNESCO khoanh vùng bảo vệ, không cho xây cao. Một liên doanh xi măng đã xin được đất bên sông Hương làm văn phòng hoành tráng lệ, đành thôi. Đồi Vọng Cảnh “nhìn thấy cả thành phố” định làm khách sạn, bị phản đối ầm ầm, cũng tạnh. Phan Thanh Hải, giờ làm phó gđ trung tâm bảo tồn Cố đô kể em phản đối trên truyền hình bị mấy ông tỉnh đòi kỉ luật. Rồi thôi. Cồn (hòn đảo) Dã Viên giữa sông Hương, tức “Bạch Hổ” trong thế đất của thành Huế theo kinh Dịch (cồn Hến là “Thanh Long”, cũng tính làm khách sạn, sân gôn, trương bảng quy hoạch tổng thể lên rồi, cũng đình.
Có những lý do rất khó bác: hiện đại có nhất thiết phải xây cao to, mở đường lớn, tập trung dân, nhà máy nhả khói? HN đã tan tành về cấu trúc đô thị, tắc đường, ô nhiễm, khẩu trang ninja, đang muốn thư thả không được, sao Huế phải bắt chiếc? Phát triển là phải đập cũ xây mới à? Quanh năm không lụt trắng trời, mưa dầm dề (lượng mưa nhất nước) thì nóng nắng kinh người, vậy không có ba cái lăng tẩm, dòng sông thơ mộng, toà thành, nhà vườn tịch mịch thì người nước ngoài đổ về làm gì! Phải lấy du lịch làm chính thôi. Mà thế phải giữ môi trường, mặt nước, tạo cái cảm giác êm đềm cho người ta. Muốn lấy tiền thiên hạ phải thế. Du lịch không đi SG hiện đại làm gì. Có anh sang ta vừa xuống sân bay đáp xe “tua” lên ngay Sa Pa leo núi hay Đà Lạt mát mẻ chỉ để nằm đọc sách…
Đến giờ thì xu hướng này còn thắng thế. Nguồn thu chủ yếu của thành phố là du lịch, dịch vụ, thương mại, chiếm tới 70%. Nhưng tâm lý muốn “phát triển” to cao, hoành tráng lệ cho bằng người vẫn rình rập. Và Huế cũng cao tường kín cổng quá, ít giao lưu, thanh niên đi cả. Đà Nẵng bắt chước SG, Bình Dương thu hút người tài, thạc sĩ về đầu quân cho 30 triệu, tiến sĩ 100, bán đất rẻ. Vai trò trung tâm giáo dục đang chuyển xuống Nam Hải Vân.
Vài chục năm trước thế nào không biết. Nhưng giờ này chủ quan tớ thích một Huế nhỏ nhắn, chậm thế này hơn. Ăn rẻ lắm, chỉ 15k là tươm. Có hôm uể oải, tớ chỉ hai miếng này một miếng kia…, xong tính 10k. Tất nhiên khu Tây hay đi chai nước suối nhỏ phải 10k. Nhưng mình cũng hiểu là mình nhìn Huế từ góc độ người đi xa thôi, chứ có mảnh đất nhà vườn ở đây bảo về ở thì chịu. Trừ phi cái người trông nhà còn xuân sắc…
*
Lan man Huế đến đây là mỏi rồi, xin dừng.
TC.
5 nhận xét:
@TC: Huế lên 'hiện đại' chì nên ở mấy chỗ :
Vệ sinh CC tốt,đâu đâu cũng sạch sẽ, nước điện đầy đủ. GTVT ở rìa đảm bảo đến nhanh-đi nhanh.
Nếu làm gì mới thì chỉ nên trồng cây quanh Cố đô, vào Huế mà qua một rừng cây xanh thì tuyệt!
Còn lại càng giống như xưa càng tốt, kể cả tính người,tác phong thong thả và... câu 'dạ' nửa.
Như tui,nếu đến chơi Huế là để được cảm nhận cái 'cổ xưa',cái chầm chậm,cái 'đặc thù' của Cố đô. Tui cần quái gì cái 'hiện đại',ở Sài gòn chả bằng mấy ấy à. :-))
TL: người ở xa đến đều nghĩ như cậu. Nếu là dân ở đấy, ngày ngày đi dạo, hít thở trên sông Hương, sẽ căm thù cái đứa cứ chực phá vỡ sự tịch mịch này
Nhưng thử đặt mình vào tình huống này: có người đến nhà cậu, "thưa anh phó chủ tịch tp, chúng tôi có ý định đóng góp một dự án, muốn lấy chỗ này chỗ nọ... Nhân thể mời anh chị và các cháu đi châu Âu một chuyến". Hoặc "mời anh chị góp cổ phần, mà chả phải đóng xu nào đâu, tự nhiên vài % có tên anh thôi". "Đất xin được dành trăm mét cho anh, anh định đứng tên chị hay cháu lớn cháu bé ạ?"
Là tớ , khó nghĩ bỏ mẹ. Người ta quá tử tế, mình được cho một cách sang trọng chả phải vụng trộm gì.
Giờ có khái niệm "nhóm lợi ích" hay "nhóm quyền lợi". Đem so với định nghĩa Mafia thì sao?
@TC : cái tình huống cậu đặt là thực tế phổ biến chứ? nó là nền tảng,bước đi căn bản cho hiện đại hoá ở ta đó.
'Nhóm lợi ích' là 'đêm hôm trước' của MF! gần lắm rồi.
" Chủ nghĩa tư bản thân hữu " - con đường ta đang đi,khó cưỡng lại.Như vậy , quĩ đạo VN sẽ giống với Inddo và Philipin....
Bọn Havard đã thiết kế " sự lựa chọn thành công " đấy ,nhưng quyền lợi phe nhóm đã bẻ lái con thuyền chính phủ rồi!
Bộ giao thông vân tải,đc sự đồng ý của thủ tướng lại sắp trình diễn vở " đường sắt cao tốc" - nóng đến phát sốt đây!.
Mời các bạn xem:http://vuongtrinhan.blogspot.com/2010/09/nghien-cuu-hue-mon-qua-tang-bat-ngo.html
Đăng nhận xét